Truyền thông phối hợp cộng đồng hẳn vẫn là một từ khóa mới mẻ đối với người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thậm chí là trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Bản thân tôi cũng là người làm việc cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số trong các chương trình phát triển nhưng không hề biết tới khái niệm này cho tới khi Truyền Thông Chín giới thiệu. Bởi vậy, bài viết này mong muốn giới thiệu tới những ai đang làm việc cùng cộng đồng và mong muốn có thể cùng cộng đồng lan tỏa mạnh mẽ hơn tiếng nói của họ và thay đổi những vấn đề xã hội thông qua truyền thông.

Thông qua bài viết, tôi hy vọng người đọc có thể hiểu hơn ý nghĩa của phương pháp này, những thách thức có thể đối mặt và hơn hết là có câu trả lời về việc khi nào thì chúng ta có thể áp dụng truyền thông phối hợp cộng đồng trong các dự án phát triển của mình.

Thách thức thay đổi công cụ, chuyển dịch niềm tin

Có lẽ ngay khi nghe về khái niệm “truyền thông phối hợp với cộng đồng”, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay rằng “Hừm, truyền thông phối hợp cộng đồng chỉ đơn giản là cùng hỗ trợ cộng đồng thực hiện các chiến dịch, hoạt động truyền thông sao cho hiệu quả”. Không sai, nhưng nếu hiểu theo cách này, chúng ta đang bỏ qua cả hệ thống niềm tin và những giá trị rường cột mà phương pháp này mong muốn xây dựng.

Trong phương pháp truyền thông truyền thống, cán bộ truyền thông sẽ là người quyết định và thực hiện toàn bộ chiến lược, kế hoạch cho các hoạt động truyền thông của mình bởi năng lực chuyên môn và kinh nghiệm vốn có. Thế nhưng với truyền thông phối hợp cộng đồng, chính các cộng đồng trong dự án phát triển mới là người đưa ra chiến lược và quyết định trong toàn bộ quá trình truyền thông cho dù họ không hề có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về việc “làm truyền thông” theo cách ta vẫn nghĩ.

 

Tại sao cộng đồng lại là người làm truyền thông? Lý do đó là bởi, triết lý truyền thông phối hợp cộng đồng tin rằng “chính những người trong cuộc sẽ là người hiểu rõ nhất vấn đề mà họ đang trải qua, bởi vậy họ sẽ có động lực mạnh mẽ để tạo ra thay đổi. Truyền thông từ đó xuất phát từ chính cộng đồng, của cộng đồng và cho cộng đồng chứ không phải do người bên ngoài áp đặt góc nhìn; cách làm hay những hình dung của họ về sự thay đổi”.

Truyền thông xuất phát từ chính cộng đồng, của cộng đồng và cho cộng đồng

Vai trò của cán bộ truyền thông lúc này sẽ lùi lại, trở thành người điều phối và tạo ra không gian thảo luận để cộng đồng thực sự làm chủ tiến trình, cất lên tiếng nói và đưa ra các quyết định trong toàn bộ quá trình làm truyền thông. Cách làm này không dễ bởi nó đòi hỏi cán bộ truyền thông trước hết, phải biết tin tưởng vào tri thức, khả năng của cộng đồng, tin vào tiếng nói và sự tự quyết của họ. Cán bộ truyền thông cũng cần trang bị các kỹ năng điều phối nhất định để có thể tạo ra những thảo luận an toàn, tôn trọng và tránh định hướng cộng đồng trong quá trình làm việc. Đó chính là lý do vì sao mà truyền thông phối hợp cộng đồng thực chất là quá trình chuyển dịch niềm tin và cách nghĩ của bạn về cách làm truyền thông và cộng đồng mà mình đang đồng hành.

Thế nhưng, chuyển dịch niềm tin và cách nghĩ của bạn là chưa đủ bởi nhà tài trợ, người đánh giá dự án cũng là những người cần được thay đổi để tiến trình truyền thông phối hợp cộng đồng có thể diễn ra trọn vẹn và được đánh giá đúng nhất với ý nghĩa của nó. Học cách thương thỏa, trao đổi với các bên liên quan dựa trên thấu hiểu và mục tiêu chung chính là một trong những điều bạn cần làm nếu lựa chọn áp dụng phương pháp này. Hãy chuẩn bị một tâm thế cởi mở, vững vàng để trao đổi, thử nghiệm và tin vào những điều khác đi.

Sức mạnh tạo ra động năng bền vững và mở ra phương thức truyền thông phi truyền thống

Là người đồng hành cùng với các cộng đồng dân tộc thiểu số trong một số chương trình phát triển, tôi hiểu rằng cộng đồng là những người hiểu rõ nhất vấn đề mà họ gặp phải ở địa phương, là người trực tiếp trải qua những bất công, và bởi vậy, họ là người có động lực mạnh mẽ nhất để tạo ra những thay đổi. Tôi còn nhớ rất rõ phản hồi từ Mạng lưới Tiên Phong, mạng lưới vì tiếng nói người Dân Tộc Thiểu Số, về vấn đề Biti’s sử dụng họa tiết thổ cẩm của người Chăm trong thiết kế giày của hãng năm 2021. Trong sự việc đó, Biti’s không hề ghi rõ nguồn gốc của hoa văn, thậm chí còn gộp chung những họa tiết của các dân tộc khác chỉ vẻn vẹn dưới tên “thổ cẩm Tây Nguyên”. Bài viết của Mạng lưới Tiên Phong, do chính anh S. một người Chăm và cũng là người nghiên cứu văn hóa Chăm lên tiếng đã tạo ra làn sóng dư luận mạnh mẽ xoay quanh vấn đề sử dụng văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Tiếng nói của anh S, người thuộc cộng đồng Chăm đã khiến Biti's phải thừa nhận lỗi sai của mình, khiến cho công chúng phải tri nhận lại về những bất công của nhóm thiểu số đang phải trải qua trong ngành công nghiệp sáng tạo, khiến cho chúng ta ý thức lại về sự đa dạng và giàu có trong văn hóa của các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số. Tiếng nói của cộng đồng có sức nặng nhất định, tiếng nói ấy mạnh mẽ và chân thật nhất khi thúc đẩy bởi động lực nội tại. Bởi vậy, áp dụng truyền thông phối hợp cộng đồng chính là cách nuôi dưỡng những động năng và giọng ấy tiếp tục cất lên.

Tiếp nối với bài viết này, Mạng lưới Tiên Phong đã cho ra đời một loạt những bài viết khác nhằm giới thiệu các họa tiết thổ cẩm của các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau. Không ai khác, chính những người dệt, những người trong cộng đồng nghiên cứu về hoa văn đã kể về các họa tiết trên thổ cẩm của dân tộc mình cũng như những câu chuyện đời thường xoay quanh nó.

“Một hôm cô cùng nhóm tới nhà bà Thạng, bà mang ra rất nhiều tấm thổ cẩm đẹp và quý. Cô cầm lần lượt các tấm thổ cẩm lên để giới thiệu về họa tiết hoa văn trong lễ tục văn hóa người Chăm, bỗng dưng đến một tấm thổ cẩm đặc biệt cô bật khóc. Cô thấy hình ảnh của mẹ mình trong này, trông nó rất gần gũi, hình như mẹ ở đây! Những sợi dây kết nối vô hình ấy làm sao chúng ta có thể cảm nhận ra hết. Và khi hỏi tấm thổ cẩm cô Minh cầm trên tay có nguồn gốc từ đâu thì bà Thạng mới xác nhận, đó chính là hoa văn mẫu do mẹ cô Minh làm ra và thất lạc đến nhà bà”.

- Cô Lâm Nữ Minh nghệ nhân dệt người Chăm kể

Nếu như những hoạt động truyền thông không xuất phát từ chính cộng đồng, vì cộng đồng, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được những câu chuyện chân thật, đầy cảm xúc phía sau, những tiếng lòng thật sự của người trong cuộc khi kể về những điều mà họ đau đáu và muốn thay đổi. Đối với tôi, truyền thông phát triển chính là tạo ra cách làm truyền thông phi chính thống, mà ở đó, những giọng nói chân thật sẽ được cất lên và tạo ra những thay đổi xã hội xuất phát từ chính mong muốn của cộng đồng,

Truyền thông tạo ra cách làm truyền thông phi chính thống, mà ở đó, những giọng nói chân thật được cất lên. 

Cơ hội tháo dỡ định kiến cố hữu; chuẩn mực đo lường và thúc đẩy tiếng nói

Nếu bạn là người có kinh nghiệm truyền thông lâu năm, liệu bạn có đủ tự tin để lùi lại và lắng nghe góc nhìn và cách làm truyền thông của cộng đồng? Nếu như cộng đồng có những ý tưởng bạn nghĩ không hiệu quả, thực hiện những ấn phẩm truyền thông mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới như là … tấm thiệp cưới chẳng hạn, bạn có lên tiếng và điều hướng cộng đồng thực hiện truyền thông theo cách bạn nghĩ là tốt?

“ Em rất muốn được thực hành và áp dụng điều này. Nhưng em chưa tự tin mình sẽ 100% áp dụng thành công phương pháp này vì vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi phương pháp truyền thông truyền thống, top-down (truyền thông từ trên xuống) thay vì bottom-up (truyền thông từ dưới lên) hay là theo bề ngang. Ngoài ra thì công ty hoặc sếp sẽ có yêu cầu, kế hoạch, deadline, và thường họ cần kết quả con số rõ ràng thay vì những thứ trừu tượng”.

- Phong, cán bộ truyền thông tại một tổ chức xã hội đã chia sẻ trong khóa tập huấn về truyền thông phối hợp cộng đồng thực hiện bởi Truyền Thông Chín

Chia sẻ của Phong đã cho chúng ta thấy thay đổi niềm tin của người làm truyền thông, của nhà tài trợ, quản lý dự án vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Đối với những ai tin và chia sẻ giá trị của truyền thông phối hợp cộng đồng, đây là cơ hội để bạn thử một cách làm mới, học cách đón nhận những khả thể đến từ cộng đồng và thương thỏa với những bên liên quan như nhà tài trợ, người đánh giá dự án trong việc nhìn nhận lại những chỉ số khi đo lường các dự án phát triển. Bên cạnh đó, truyền thông cộng đồng cũng là một giải pháp tốt dành cho các tổ chức phát triển khi liên tục phải tìm kiếm nguồn nhân lực bên ngoài để thực hiện các hoạt động truyền thông, trong khi đó, chưa chắc những nguồn lực này chia sẻ chung giá trị cũng như hiểu kỹ về vấn đề mà tổ chức đang muốn giải quyết. Truyền thông cộng đồng vừa tận dụng được khả năng điều phối, nghiên cứu của người làm phát triển, vừa tận dụng tiềm năng truyền thông của cộng đồng sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề hiện tại.

Truyền thông phối hợp cộng đồng giúp ta học cách đón nhận những khả thể đến từ cộng đồng và thương thỏa với các bên liên quan.

Cuối cùng, truyền thông phối hợp cộng đồng là phương pháp và công cụ quan trọng giúp thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng. Mỗi cộng đồng đều có nhu cầu cất tiếng mạnh mẽ về đời sống, các vấn đề xã hội, quan điểm của họ trong những lĩnh vực khác nhau. Sự phát triển của công nghệ đã mở ra khả năng để các nhóm cộng đồng lên tiếng kể câu chuyện mình tự do hơn, lan tỏa sức ảnh hưởng nhanh hơn và tạo ra những thay đổi dựa trên các nền tảng khác nhau. Không khó để tìm ra những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, những kênh phát ngôn, trang thông tin đăng tải những câu chuyện, quan điểm hay các sản phẩm truyền thông được làm bởi cộng đồng và thu hút sự quan tâm lớn từ phía công chúng. Bởi vậy, truyền thông phối hợp cộng đồng chính là cơ hội tuyệt vời để khuếch tán mạnh mẽ hơn tiếng nói của người trong cuộc, vốn luôn đã có sẵn và vô cùng đa dạng.

Truyền thông phối hợp cộng đồng hẳn là một quá trình mà bất cứ ai thực hành nó sẽ đối mặt với cả thách thức và những thay đổi mới. Thế nhưng một khi đã mở được trái tim và đôi tai của mình để lắng nghe những câu chuyện chân thật, bạn sẽ thấy rằng đây mới thực sự là tiếng nói mạnh mẽ nhất, là hiện thực sống động nhất cần được cất lên để thúc đẩy tạo ra thay đổi. Bởi vậy, tin vào tiếng nói và tính tự quyết từ chính cộng đồng, học cách đi chậm và kiên nhẫn, chính là tâm thế bạn cần có để áp dụng truyền thông phối hợp cộng đồng một cách đúng nghĩa. Có như vậy, đây mới thực sự là cách làm truyền thông đi từ cộng đồng, của cộng đồng, và cho cộng đồng.

Minh Ánh